Khi giao dịch Forex, chắc bạn cũng đã nghe câu Xu hướng là bạn (Trend is your friend) phải không? Bạn đã thực sự hiểu “người bạn” này chưa? Bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xu hướng thực sự là gì và cách xác định xu hướng hiệu quả nhất thông qua cấu trúc xu hướng thị trường.
Bắt đầu nhé!
Xu hướng thị trường là gì?
Xu hướng thị trường hay xu hướng (Market trend) là chuyển động của thị trường theo một hướng nhất định qua thời gian.
Rất cụ thể, thị trường có 3 loại xu hướng:
- Xu hướng tăng (uptrend) là giai đoạn thị trường chuyển động tăng giá theo thời gian.
- Xu hướng giảm (downtrend) là giai đoạn thị trường chuyển động giảm giá theo thời gian.
- Xu hướng đi ngang (sideways) là giai đoạn thị trường chuyển động trong một vùng giá theo thời gian.
Khi xu hướng tăng (uptrend) kết thúc thì thị trường có thể chuyển sang xu hướng giảm (downtrend) hoặc xu hướng đi ngang (sideways), không nhất thiết sẽ là xu hướng cụ thể nào tiếp theo. Tương tự với loại xu hướng khác.
Cấu trúc xu hướng thị trường là gì?
Thị trường có 3 loại xu hướng (tăng, giảm và đi ngang) tương ứng với 3 dạng cấu trúc xu hướng.
- Cấu trúc xu hướng tăng là cấu trúc thị trường tạo các đỉnh và đáy mới cao hơn đỉnh và đáy cũ. Xu hướng tăng sẽ vẫn tiếp diễn nếu cấu trúc xu hướng tăng chưa bị phá vỡ.
- Cấu trúc xu hướng giảm là cấu trúc thị trường tạo các đỉnh và đáy mới thấp hơn đỉnh và đáy cũ. Xu hướng giảm vẫn sẽ tiếp diễn nếu cấu trúc xu hướng giảm chưa bị phá vỡ.
- Cấu trúc xu hướng đi ngang là cấu trúc thị trường tạo các đỉnh và đáy mới bằng các đỉnh và đáy cũ. Xu hướng đi ngang vẫn sẽ tiếp diễn nếu cấu trúc xu hướng đi ngang chưa bị phá vỡ.
Điều này có nghĩa là gì và có thực sự quan trọng?
- Bạn có thường thấy giá phá qua (breakout) trendline hay kênh giá mà thị trường không đảo chiều?
- Bạn có thường thấy các indicator của mình báo “cắt nhau” hay “quá mua quá bán” rồi mà thị trường không đảo chiều?
- ..v..v
Đó là bởi vì CẤU TRÚC XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CHƯA THAY ĐỔI!
Sau đây tôi sẽ hướng dẫn bạn cách xác định cấu trúc xu hướng của thị trường, từ đó biết được xu hướng hiện tại đang là gì.
Cách xác định xu hướng theo cấu trúc xu hướng thị trường
Bạn hãy nhìn vào hình minh họa dưới đây, nét liền là chuyển động giá trong quá khứ, nét đứt là chuyển động giá trong tương lai:
Chúng ta sẽ xác định xem cấu trúc xu hướng của thị trường ở mỗi giai đoạn trong quá khứ:
• Giai đoạn X-C: thị trường tạo đỉnh B thấp hơn đỉnh X, đáy C thấp hơn đáy A => cấu trúc xu hướng giảm – thị trường đang downtrend.
• Giai đoạn C-B1: thị trường chưa tạo đỉnh mới cao hơn đỉnh B => cấu trúc xu hướng vẫn là giảm – thị trường đang downtrend.
• Giai đoạn B1-D: thị trường tạo đỉnh D cao hơn đỉnh B => cấu trúc xu hướng giảm bị phá vỡ – thị trường không còn ở downtrend nhưng chưa xác định được là sideways hay uptrend.
• Giai đoạn D-F: thị trường chưa tạo đỉnh mới cao hơn đỉnh D hoặc đáy mới thấp hơn đáy C => cấu trúc xu hướng chưa có gì thay đổi – đã hết downtrend nhưng chưa xác định là sideways hay uptrend. Trong giai đoạn này có xuất hiện đáy mới (đáy E) chỉ là đáy tạm thời.
Hiện tại thị trường đang ở điểm F, tức là thị trường đã kết thúc xu hướng giảm nhưng chưa xác định được xu hướng tiếp theo là xu hướng tăng (uptrend) hay đi ngang (sideways).
Từ điểm F trở đi, chúng ta sẽ giả sử các kịch bản khác nhau của thị trường và xác định cấu trúc xu hướng với mỗi kịch bản đó:
• Kịch bản 1 – giai đoạn F-G: thị trường tạo đỉnh G cao hơn đỉnh D, đáy E cao hơn đáy C => cấu trúc thị trường chuyển thành cấu trúc xu hướng tăng – thị trường đang uptrend.
• Kịch bản 2 – giai đoạn F-H: cấu trúc xu hướng chưa thay đổi vì các điểm E, F, H đang nằm trong phạm vi của đoạn CD, chúng chưa được gọi là các đỉnh đáy để xác định cấu trúc xu hướng thị trường.
• Kịch bản 3 – giai đoạn H-J: thị trường tạo đỉnh J cao hơn đỉnh D, đáy H cao hơn đáy C => cấu trúc thị trường chuyển thành cấu trúc xu hướng tăng – thị trường đang uptrend. Giai đoạn H-J hoàn toàn tương tự giai đoạn E-G hay F-G.
• Kịch bản 4 – giai đoạn H-K: thị trường tạo đáy K thấp hơn đáy C, đỉnh D thấp hơn đỉnh X => cấu trúc thị trường trở thành cấu trúc xu hướng giảm – thị trường quay lại downtrend.
Phần mô tả phía trên rất kỹ cho từng kịch bản nhưng có thể làm bạn rối một chút, tôi sẽ tóm gọn lại và đưa ra hành động giao dịch cụ thể cho từng kịch bản:
• Giai đoạn X-C và C-B1: xu hướng giảm. Giá chưa vượt qua đỉnh B, chỉ giao dịch xuống.
• Giai đoạn B1 đến D1 hoặc C1: không còn xu hướng giảm nhưng chưa xác định được xu hướng.
– Có thể coi thị trường đang tích lũy trong khoảng CD. Khi giá chuyển động trong phạm vi giới hạn bởi đáy C và đỉnh D, bạn có thể giao dịch tại các vùng C và D nếu xuất hiện các tín hiệu đảo chiều như tôi đã hướng dẫn trong bài này.
– Chỉ nên canh BUY trong khoảng CD nếu có tín hiệu đảo chiều tăng, không nên canh SELL trong khoảng CD.
• Giá vượt lên điểm D – xu hướng tăng: chỉ giao dịch lên.
• Giá phá xuống điểm C – xu hướng giảm: chỉ giao dịch xuống.
———————
Bạn có thấy rối không?
Chúng ta đến với ví dụ thị trường thực tế nhé! Để bạn đỡ rối mắt tôi sẽ sử dụng biểu đồ đường (line chart) trong các ví dụ.
Ví dụ: Cặp EURUSD khung thời gian D1.
Cặp EURUSD khung D1 từ X đến C là xu hướng giảm với cấu trúc xu hướng giảm rất rõ ràng. Thị trường liên tục tạo đỉnh Z, T, B và đáy Y, W, A, C thấp hơn.
Từ đáy C, thị trường tăng lên tạo đỉnh D cao hơn đỉnh gần nhất (đỉnh B) => cấu trúc xu hướng giảm đã bị phá vỡ. Sau đó thị trường tạo các điểm E, D1, và H (hiện tại) như hình. Bạn biết mình cần chuẩn bị chiến lược gì cho mỗi kịch bản thị trường rồi chứ?
Tôi sẽ nhắc lại nhé:
- Giá trong khoảng CD: canh BUY nếu có tín hiệu đảo chiều
- Giá phá xuống vùng C: chỉ canh SELL
- Giá lên gặp vùng D: canh SELL nếu có tín hiệu đảo chiều
- Giá vượt qua vùng D: chỉ canh BUY
Tổng kết
Bạn đã biết thị trường có 3 dạng xu hướng, đó là xu hướng tăng (uptrend), xu hướng giảm (downtrend) và xu hướng đi ngang (sideways).
Mỗi dạng xu hướng tương ứng với một cấu trúc xu hướng:
- Xu hướng tăng: đỉnh và đáy sau cao hơn đỉnh và đáy trước
- Xu hướng giảm: đỉnh và đáy sau thấp hơn đỉnh và đáy trước
- Xu hướng đi ngang: đỉnh và đáy sau bằng đỉnh và đáy trước
Khi cấu trúc xu hướng tăng bị phá vỡ, thị trường kết thúc xu hướng tăng để chuyển sang xu hướng giảm hoặc đi ngang, tương tự các xu hướng khác.
Bạn đã biết cách xác định xu hướng hiện tại một cách chính xác, hiệu quả thông qua xác định cấu trúc xu hướng, từ đó đưa ra các hành động (chiến lược giao dịch) cụ thể với từng kịch bản của thị trường.
Lưu ý cuối cùng: Nếu bỏ qua các yếu tố về quản lý rủi ro (như cách đặt Stop loss chính xác, cách nâng cao tỷ lệ Risk Reward, …) và kiểm soát tâm lý giao dịch (như đừng coi Forex là đánh bạc, 6 cách kiểm soát tâm lý giao dịch, …) thì XÁC ĐỊNH XU HƯỚNG chỉ là 1 trong 2 yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định giao dịch, yếu tố quan trọng còn lại là XÁC ĐỊNH ĐIỂM VÀO LỆNH. Để xác định điểm vào lệnh có xác suất thành công cao, bạn hãy rèn luyện thêm các công cụ kỹ thuật phù hợp với bạn, có trong chuyên mục Học Forex A-Z nhé.