Pullback Là Gì? Cách Sử Dụng Pullback Hiệu Quả Trong Giao Dịch Forex

Pullback là gì? Làm sao để nhận diện một “cú” Pullback? Ưu nhược điểm của giao dịch Pullback là gì? Giao dịch Pullback có thực sự hiệu quả với thị trường Forex và các công cụ kỹ thuật nào là cần thiết? …

Trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi trên.

Bắt đầu nhé!

Pullback là gì?

Pullback (giá điều chỉnh) là hành động mà giá đi ngược xu hướng chính của thị trường trong ngắn hạn. Nói một cách khác: Thị trường sẽ nghỉ ngơi, thư giãn sau khi “chạy” theo một xu hướng quá lâu.

Trong một xu hướng tăng, bạn sẽ thấy nhịp Pullback có chiều giảm. Ngược lại, trong một xu hướng giảm, bạn sẽ thấy nhịp Pullback có chiều tăng.

Nhận diện Pullback

Để nhận diện được Pullback, điều đầu tiên bạn cần làm là xác định được xu hướng chính hiện tại của thị trường.

Tôi sẽ lấy ví dụ cụ thể:

Trong hình minh họa trên, bạn thấy xu hướng giá đang tăng. Vậy thì đâu là Pullback trong minh họa này?

Pullback chính là những đoạn giá di chuyển ngược xu hướng tăng, tức Pullback là những đoạn giá giảm được tôi khoanh tròn trên biểu đồ.

Phân biệt Pullback và đảo chiều

Pullback và đảo chiều rất dễ nhầm lẫn nhưng hậu quả của sự nhầm lẫn này lại rất lớn (sai một ly đi một dặm).

Theo như cái tên và định nghĩa của Pullback, thì đây là một đoạn giá hồi lại trong một xu hướng chính.

Nói cách khác, Pullback là một phần của xu hướng chính và nó thúc đẩy giá tiếp tục di chuyển theo xu hướng.

Trái lại, đảo chiều là trạng thái thay đổi chiều hướng xu hướng của thị trường, tức là thay đổi chiều tăng sang chiều giảm và ngược lại.

Ưu điểm giao dịch Pullback là gì?

Giao dịch Pullback được rất nhiều trader lựa chọn bởi vì những ưu điểm tuyệt vời sau:

  • Đi theo xu hướng mang lại xác suất cao: Xu hướng là bạn, cứ đi theo xu hướng bạn sẽ được thị trường ưu ái. Ý tưởng cơ bản của Pullback chính là tận dụng thời điểm “nghỉ ngơi” của xu hướng để hưởng được khoản lợi nhuận khi mà giá bật nảy tiếp tục xu hướng trở lại.
  • Dễ nhận biết được điểm cắt lỗ: Nếu một Pullback điều chỉnh quá sâu, đến mức trở thành đảo chiều thì đó là lúc bạn cần cắt lỗ, trader sẽ dựa vào đặc điểm này để đóng lệnh khi rủi ro đảo chiều tăng cao.
  • Tối ưu lợi nhuận với Risk Reward tốt: Tuỳ vào từng điều kiện thị trường cụ thể và “level” của bạn mà giao dịch Pullback có tỷ lệ Risk Reward khác nhau. Nhưng tỷ lệ Risk Reward 1:2, 1:3 đối với giao dịch Pullback là “khá đơn giản”.

Nhược điểm giao dịch Pullback là gì?

Bên cạnh ưu điểm, giao dịch Pullback vẫn tồn tại những nhược điểm không thể không lưu ý:

  • Nhầm lẫn giữa Pullback và đảo chiều: Mặc dù giữa Pullback và đảo chiều có nhiều điểm khác nhau rõ rệt nhưng trong giao dịch thực, thị trường sẽ không bao giờ diễn biến theo đúng chính xác những gì trader dự đoán. Sẽ có vô vàn kịch bản từ Pullback trở thành đảo chiều, bạn cần phải lưu ý điều này.
  • Phụ thuộc vào xu hướng thị trường: Điều quan trọng nhất tạo nên lợi nhuận cho một giao dịch Pullback không phải là việc tìm ra được Pullback mà là tìm ra được xu hướng tốt. Nói cách khác, bạn phải phân tích được đâu mới là xu hướng tốt để giao dịch.
  • Bỏ lỡ cơ hội: Đây là nhược điểm lớn nhất của giao dịch Pullback. Bạn muốn chờ nhịp điều chỉnh của thị trường để vào lệnh với Risk Reward tốt, đương nhiên bạn sẽ phải đánh đổi việc bỏ lỡ cơ hội vào lệnh khi thị trường có xu hướng mạnh (nhịp Pullback điều chỉnh quá ít so với kỳ vọng của bạn làm bạn lỡ cơ hội)

Công cụ kỹ thuật cần thiết để giao dịch Pullback

Bạn cần một số công cụ kỹ thuật để phục vụ việc nhận diện và giao dịch Pullback trong từng trường cụ thể.

Sau đây là danh sách chi tiết các công cụ bạn có thể tham khảo:

Fibonacci Retracement (Fibonacci hồi quy)

Fibonacci Retracement (Fibonacci hồi quy) là một trong những công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến nhất, bao gồm cả Pullback.

Có 3 mức Fibonacci mà bạn nên lưu ý đó là: 50%; 61.8% và 38.2%.

Khi giá bắt đầu điều chỉnh Pullback, bạn chỉ cần vẽ Fibonacci Retracement và chờ đợi giá tương tác với 3 mức giá trị % trên để tìm kiếm cơ hội giao dịch.

Trendline

Trendline hay đường xu hướng là công cụ đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để xác định xu hướng, đồng thời trendline cũng được dùng để giao dịch Pullback.

Khi giá đi theo xu hướng, bạn thấy các đáy và đỉnh nằm trên một đường thẳng, đường thẳng đó được gọi là trendline. Các đỉnh/đáy sẽ bật nảy trên trendline tạo ra cơ hội giao dịch cho trader.

Nói cách khác:

Giá khi kết thúc điều chỉnh (Pullback) chạm vào trendline, bạn có một cơ hội giao dịch theo chiều tăng hoặc giảm của xu hướng chính.

Moving Averages

Moving Averages hay còn gọi là đường trung bình là một trong những chỉ báo được sử dụng nhiều nhất, đặc biệt với phân tích xu hướng.

Đường trung bình đôi lúc đóng vai trò như một “trendlines động”, tức là nó sẽ tự di chuyển theo xu hướng thị trường.

Chính vì điều đó, đường trung bình cũng có chức năng tìm kiếm cơ hội giao dịch Pullback như ý tưởng của Trendlines.

Cụ thể hơn, bạn có thể cân nhắc giao dịch Mua/Bán khi giá điều chỉnh kết thúc tại điểm chạm với đường trung bình.

Hỗ trợ và kháng cự

Hỗ trợ & Kháng cự là công cụ phân tích kỹ thuật cơ bản và được sử dụng hầu hết trong các chiến lược giao dịch.

Công cụ này giúp bạn nhanh chóng vẽ ra các vùng giá quan trọng.

Vùng giá quan trọng là những vùng giá mà nến đã test (chạm vào và bật nảy) nhiều lần trong quá khứ.

Sử dụng công cụ này để giao dịch Pullback cũng tương tự các công cụ trên: Bạn chỉ cần đợi giá điều chỉnh về vùng giá quan trọng đã được highlight bằng Hỗ trợ & Kháng cự và tìm kiếm cơ hội giao dịch.

Chiến lược giao dịch Pullback

Bạn đã nắm được cơ bản về Pullback, bạn cũng đã có trong tay một số công cụ để giao dịch cần thiết, đã đến lúc đưa chúng vào thực hành.

Tôi muốn giới thiệu bạn 4 chiến lược giao dịch Pullback dễ dàng áp dụng mà bạn có thể thử ngay sau khi xem hết bài viết này.

Chiến lược Trendline

Những gì bạn cần ở chiến lược này chỉ đơn giản là biểu đồ nến và một đường xu hướng (trendline).

Các bước để thực hiện chiến lược này:

  1. Nối ít nhất 2 đỉnh/đáy để xác định được xu hướng hiện tại (tăng hay giảm) của thị trường.
  2. Đợi giá cắt điều chỉnh một lần nữa và giao cắt vào trendline, bạn có thể vào một lệnh Mua/Bán.

*Lưu ý: Không giao dịch nếu giao cắt quá sâu vào trendline.

Chiến lược Moving Averages

Chiến lược này nhiều bước hơn nhưng vẫn rất dễ áp dụng.

Bạn cần chuẩn bị:

  • EMA 20
  • EMA 50
  • EMA 200

Các bước thực hiện:

  1. Xác định xu hướng: Đối với xu hướng tăng, cần EMA 20 nằm trên EMA 50, EMA 50 nằm trên EMA 200. Ngược lại, với xu hướng giảm, cần EMA 20 nằm dưới EMA 50, EMA 50 nằm dưới EMA 200.
  2. Vào lệnh: Bạn thực hiện giao dịch Mua khi xu hướng tăng, giá điều chỉnh và chạm vào EMA 20. Bạn thực hiện giao dịch Bán khi xu hướng giảm, giá điều chỉnh và chạm vào EMA 20.

Chiến lược Fibonacci Retracement

Áp dụng chiến lược Pullback với Fibonacci Retracement không quá khó. Tất cả những gì bạn cần là công cụ Fibonacci Retracement, công cụ này là mặc định ở hầu hết các nền tảng phân tích và giao dịch phổ biến.

Các bước thực hiện:

  1. Bạn nối đỉnh cao nhất và đáy thấp nhất trong khoảng giá gần nhất trên biểu đồ.
  2. Bất cứ khi nào nến “kiểm tra” các mức fibo như 50%, 61.8% và 38.2% thì đó là lúc bạn có thể cân nhắc cho một giao dịch.

Chiến lược Hỗ trợ & Kháng cự

Chiến lược cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ đó là chiến lược sử dụng đường Hỗ trợ & Kháng cự.

Để tìm tìm Hỗ trợ & Kháng cự, bạn cần tìm được ít nhất 2 đáy hoặc 2 đỉnh đã “kiểm tra” vào cùng một mức giá. Sau đó, bạn nối 2 đáy hoặc đỉnh đó để tạo ra một đường Hỗ trợ hoặc Kháng cự.

Bất cứ khi nào giá “kiểm tra” vào Hỗ trợ và Kháng cự đó một lần, bạn đã có cơ hội để giao dịch Pullback.

Lời kết

Như vậy là bạn đã có trong tay đủ công cụ và chiến lược để bắt đầu trải nghiệm giao dịch Pullback rồi. Bạn nghĩ sao về kỹ thuật giao dịch này? Hãy chia sẻ bình luận bạn ngay bên dưới nhé!

Bài viết liên quan