Carry Trade là một trong những hình thức kiếm tiền phổ biến nhất của các nhà quản lỹ quỹ. Vậy Carry Trade là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết trong bài học này.
Carry Trade là gì?
Khi bạn vay mượn hoặc bán một tài sản với lãi suất thấp, sau đó dùng số tiền thu được để mua một tài sản khác với lãi suất cao hơn.
Trong khi bạn chỉ phải trả lãi suất thấp cho tài sản bạn đã vay hoặc bán thì bạn lại thu được lãi cao hơn cho tài sản bạn đã mua. Từ đó, lợi nhuận bạn thu được chính là nhờ CHÊNH LỆCH LÃI SUẤT.
Ví dụ về giao dịch chênh lệch lãi suất
Giả sử bạn vay ngân hàng một khoản tiền 10 000 USD với lãi suất 1%/năm. Sau đó bạn dùng số tiền này để mua một trái phiếu trị giá 10 000 USD và được trả lãi 5%/năm.
Rất dễ thấy, bạn có một lợi nhuận là 4% chỉ từ khoản tiền đi vay nhờ chênh lệch lãi suất. Có thể bạn đang nghĩ đó không phải là một khoản lợi nhuận hấp dẫn so với việc tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường. Vậy thì bạn đã quên mất một yếu tố tuyệt vời từ thị trường ngoại hối, đó chính là ĐÒN BẨY.
Nếu như bạn sử dụng đòn bẩy 1:20 thì sao? Con số 4% kia đã có thể biến thành 80% rồi. Nếu bạn vẫn cảm thấy khó hiểu, mời bạn hãy cùng xem tiếp.
Ví dụ về giao dịch chênh lệch lãi suất với đòn bẩy
Giả sử bạn vay 1 000 000 USD với lãi suất 1%.
Ngân hàng yêu cầu một khoản thế chấp 10 000 USD từ bạn và bạn sẽ nhận lại nó khi tất toán khoản vay.
Bạn ôm balo tiền và đi bộ sang bên đường vào một ngân hàng khác và gửi 1 000 000 USD vào tài khoản tiết kiệm với lãi suất được trả là 5%/năm. Một năm trôi qua, số tiền bạn kiếm được là: 1 000 000 x 0.05 = 50 000 USD.
Bạn rút hết cả gốc và lãi về sau đó trả lại tiền cho ngân hàng mà bạn đã vay. Tổng số tiền mà bạn phải trả là 1 000 000 USD ban đầu cộng với lãi suất 1% tương ứng với 10 000 USD mà bạn phải chịu.
Như vậy, lợi nhuận ròng mà bạn có được là 40 000 USD. Chỉ với 10 000 USD ban đầu, bạn đã thu về đến 400%. Bây giờ bạn đã thấy nó thực sự hấp dẫn chưa?
Tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về cách thực hiện Carry Trade và khi nào nó có thể (hoặc không thể) sử dụng được.
Giao dịch chênh lệch lãi suất với một cặp tiền tệ
Trong thị trường ngoại hối, chúng ta giao dịch theo các cặp tiền, ví dụ nếu bạn mua EURUSD thì tức là bạn đang mua đồng EUR và bán đồng USD cùng lúc.
Bạn sẽ trả lãi cho tiền tệ mà bạn bán, cùng với đó bạn thu lãi cho tiền tệ mà bạn mua. Điều đặc biệt trong thị trường ngoại hối là bạn được trả lãi mỗi ngày trên từng giao dịch từ sự chênh lệch lãi suất giữa hai loại tiền tệ mà bạn đã giao dịch đó.
Đây là chi phí mà sàn môi giới trả cho sự chênh lệch lãi suất khi bạn giữ giao dịch của mình qua đêm với điều kiện đồng tiền bạn mua có lãi suất cao hơn. Trong điều kiện ngược lại, đồng tiền bạn mua có lãi suất thấp hơn, bạn sẽ phải trả cho khoản chênh lệch đó.
Chúng ta đều biết, ưu điểm của giao dịch ngoại hối chính là đòn bẩy, nhờ đó chúng ta có thể giao dịch với khối lượng lớn hơn rất nhiều so với số tiền chúng ta có.
Hầu hết các sàn môi giới thường yêu cầu chỉ 1% đến 2% cho tiền ký quỹ của mỗi giao dịch.
Ví dụ về giao dịch chênh lệch lãi suất với một cặp tiền tệ
Hãy xem ví dụ sau để thấy sức mạnh của giao dịch chênh lệch lãi suất như thế nào:
Đây là Nam, một chàng trai 9x trẻ vừa mới lập gia đình và đang có 10 000 đô-la tiền mừng cưới. Nam đang phân vân chưa biết nên đầu tư thế nào để kiếm lời với khoản tiền này. Nếu gửi ngân hàng với lãi suất 7% thì sau một năm Nam chỉ thu về được 700 đô tiền lãi. Chẳng đáng là bao.
Vì vậy Nam đã không chọn phương án đó mà quyết định sẽ mở một tài khoản giao dịch ngoại hối (tất nhiên là sau một thời gian dài chinh chiến trên tài khoản demo và tích lũy được kha khá kinh nghiệm nhé).
Nam đã tìm thấy một cặp tiền có chênh lệch lãi suất lên đến 5%/năm và thực hiện một giao dịch với khối lượng 100 000 đô-la với cặp tiền đó.
Nam sử dụng đòn bẩy 1:100, do đó a chỉ cần sử dụng 1 000 USD cho tiền ký quỹ.
Kịch bản nào sẽ xảy ra nếu Nam giữ nguyên tài khoản của mình trong một năm?
Có 3 khả năng:
- Cặp tiền mà Nam mua rớt giá thảm hại. Tài khoản của Nam bị stop out và tất cả những gì Nam còn lại chỉ là số tiền ký quỹ 1 000 đô.
- Cặp tiền giữ nguyên tỷ giá: Trong trường hợp này, Nam không thu được lợi nhuận từ giao dịch, nhưng a đã thu được 5% lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất. Tương đương với 5 000$.
- Cặp tiền tăng giá: Đây là kịch bản tuyệt vời nhất cho khoản đầu tư của Nam. Anh không chỉ kiếm được lợi nhuận từ 5% chênh lệch lãi suất mà còn kiếm được lợi nhuận từ giao dịch của mình.
Bạn thấy đấy, với việc lợi dụng đòn bẩy và chênh lệch lãi suất, Nam đã có thể kiếm được 50% lợi nhuận sau một năm.
Tất nhiên việc giao dịch không đơn giản như thế, nhưng điều quan trọng qua bài học này là bạn đã có thể hiểu được Carry Trade là gì và nó vận hành như thế nào rồi.
Rủi ro khi Carry Trade trong thị trường Forex là gì?
Rủi ro giao dịch Carry Trade trong thị trường Forex chính bao gồm tiền tệ biến động hoặc thay đổi lãi suất.
Ví dụ: các thị trường mới nổi đưa ra mức lãi suất cao hơn nhưng cũng có rủi ro chính trị và quốc gia cao có thể gây ra sự biến động hoặc mất giá tiền tệ đột ngột, dẫn đến tổn thất đáng kể trong giao dịch chênh lệch lãi suất.
Tiền tệ của các thị trường mới nổi không chỉ dễ biến động hơn mà mức độ biến động thường có thể lớn hơn mức độ biến động ở các thị trường phát triển, có thể dẫn đến tổn thất hàng ngày lớn hơn.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đồng tiền của thị trường mới nổi biến động mạnh nhất trong những năm gần đây: Trong 12 tháng từ ngày 16 tháng 11 năm 2021 đến ngày 15 tháng 11 năm 2022, đồng lira đã giao dịch từ -2,71% so với đô la Mỹ lên -45,92 %, bao gồm mức giảm 27,10% trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng.
Kết luận
Rõ ràng là giao dịch Carry Trade chênh lệch lãi suất, mặc dù có khả năng sinh lợi cao, nhưng lại chứa đựng một lượng rủi ro khá lớn. Điều này là do các loại tiền tệ tốt nhất cho loại giao dịch này có xu hướng biến động nhất. Tâm lý thị trường tiêu cực giữa các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ có thể có tác động nhanh chóng và nặng nề đối với các loại tiền tệ “carry pair”. Nếu không quản lý rủi ro đầy đủ, tài khoản của nhà giao dịch có thể bị xóa sạch bởi một bước ngoặt bất ngờ và tàn bạo.
Do đó hãy thật cẩn trọng khi tham gia nhé, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngại ngần bình luận hoặc liên hệ với Dotary để được giải đáp nhanh chóng nhé!