CFD Là Gì? Tìm Hiểu Tất Tần Tật Về Thị Trường CFD

Khái niệm CFD hay giao dịch CFD đã dần trở nên quen thuộc với các trader. Tuy vậy không phải trader nào cũng nắm rõ bản chất của CFD. Vì vậy bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ mọi vấn đề liên quan đến CFD: CFD là gì? Sản phẩm giao dịch trong thị trường CFD là gì? Kiếm lợi nhuận từ giao dịch CFD như thế nào? Ưu nhược điểm của giao dịch thị trường CFD là gì? …

CFD là gì?

CFD là viết tắt của Contract For Difference, có nghĩa là Hợp Đồng Chênh Lệch. CFD là một công cụ tài chính cho phép bạn giao dịch một loại tài sản mà không cần phải thực sự sở hữu nó.

Như tên gọi của nó, CFD là một bản hợp đồng giữa 2 bên (bên mua và bên bán) thoả thuận về biến động của một loại tài sàn nào đó.

Các bên tham gia vào hợp đồng chênh lệch CFD là ai?

Về cơ bản, hai bên tham gia hợp đồng chênh lệch CFD chính là Nhà giao dịch (Trader) và Tổ chức môi giới (Broker).

Khi nhà giao dịch và Tổ chức môi giới đồng ý với nhau một thoả thuận đầu cơ dựa trên giá thị của một tài sản mà không thực sự nắm giữ tài sản đó – hai bên hình thành một Hợp đồng chênh lệch CFD.

Sản phẩm được giao dịch trong thị trường CFD là gì?

Thị trường CFD cung cấp rất nhiều sản phẩm giao dịch như Forex, Cổ phiếu, Hàng hoá, Chỉ số chứng khoán, Tiền điện tử, …

Giao dịch CFD Forex

Forex là nhóm sản phẩm được giao dịch nhiều nhất trong thị trường CFD. Các sản phẩm giao dịch là tỷ giá các cặp tiền tệ toàn cầu.

Ví dụ các cặp tiền được giao dịch nhiều nhất như: EURUSD, GBPUSD, USDJPY, USDCHF, USDCAD, AUDUSD, NZDUSD …

Giao dịch CFD Chỉ số chứng khoán

Chỉ số chứng khoán là một giá trị thống kê phản ánh tình hình của thị trường cổ phiếu. Chỉ số này được tổng hợp từ danh mục các cổ phiếu theo một phương pháp tính nhất định. Ví dụ như các cổ phiếu cùng niêm yết tại một sở giao dịch chứng khoán, các cổ phiếu cùng ngành, các cổ phiếu dựa theo vốn hoá thị trường…

Các chỉ số chứng khoán được giao dịch phổ biến như US30 (Dow Jones), S&P500 (500 công ty vốn hoá lớn nhất NASDAQ hoặc NYSE), NAS100 (100 công ty lớn nhất sàn NASDAQ), DAX30 (Chỉ số chứng khoán Đức), …

Giao dịch CFD Hàng hóa & Kim loại quý

Vàng, Bạc, Platinum, Dầu thô WTI, Dầu Thô Brent…

Giao dịch CFD Cổ phiếu

Các cổ phiếu phổ biến được giao dịch nhiều như TSLA (Tesla), AAPL (Apple), FB (Facebook), GOOGL (Google), ZM (Zoom), AMZN (Amazon) …

Giao dịch CFD Tiền điện tử

Gần đây thì các Broker lớn đều đã cho giao dịch CFD đối với các đồng tiền điện tử (cryptocurrency). Chúng ta có thể mua hoặc bán khống các đồng tiền này thay vì giao dịch mua bán trên các trang Crypto Exchange (Binance, Huobi, Okex, …).

Tuỳ vào mỗi Broker mà số lượng các đồng tiền điện tử được giao dịch sẽ khác nhau. Tất nhiên các đồng tiền điện tử có vốn hoá lớn sẽ có, như là: BTC (Bitcoin), ETH (Ethereum), XRP (Ripple), BCH (Bitcoin Cash), LTC (Litecoin) …

Giao dịch Ký quỹ CFD là gì?

CFD là công cụ giao dịch có sử dụng đòn bẩy. Tức là bạn chỉ cần ký quỹ 1 phần thay vì toàn bộ giá trị hợp đồng giao dịch.

Tuỳ vào sản phẩm giao dịch và Broker mà mức ký quỹ (margin) sẽ có quy định khác nhau. Margin có thể được coi là một khoản ký gửi (tài sản thế chấp) cần để bạn mở một lệnh giao dịch hoặc giữ cho nó không bị đóng khi lệnh của bạn bị lỗ.

Tiền ký quỹ chỉ đơn giản là một phần tiền của bạn mà nhà môi giới giữ cho giao dịch được mở và để đảm bảo rằng bạn có thể bù đắp tổn thất của giao dịch.

Khái niệm Ký quỹ (margin) và Đòn bẩy (leverage) là 2 khái niệm bạn cần nắm rõ khi giao dịch CFD. Để hiểu rõ hơn về các khái niệm Ký quỹ, Đòn bẩy và một số khái niệm liên quan, bạn hãy đọc bài viết này.

Ví dụ bạn muốn mua 100 cổ phiếu của Apple với giá 150$/cổ phiếu.

  • Nếu bạn giao dịch không sử dụng đòn bẩy: Bạn sẽ cần bỏ ra số tiền 100 x 150$ = 15.000$ để sở hữu 100 cổ phiếu Apple
  • Nếu bạn giao dịch CFD có sử dụng đòn bẩy: Trong trường hợp Broker yêu cầu ký quỹ 5% với mã cổ phiếu Apple, bạn chỉ cần bỏ ra (ký quỹ) một khoản tiền 5% x 15.000$ = 750$ là có thể thực hiện giao dịch mua 100 cổ phiếu Apple.

Một hợp đồng chênh lệch CFD có thông tin gì?

Các thông tin này bao gồm: mã giao dịch, chi phí chênh lệch (spread), chi phí hoa hồng (commission), phí qua đêm mỗi chiều (swap), phiên giao dịch của sản phẩm…

Lợi nhuận của giao dịch CFD tạo ra như thế nào?

Khi bạn Trừ đi các khoản phí giao dịch, lợi nhuận bạn nhận được là sự chênh lệch giá của loại tài sản đó nhân với số lượng hợp đồng.

Một điều khác giữa giao dịch CFD và giao dịch truyền thống đó là bạn còn có thể kiếm lợi nhuận khi tài sản giảm giá, bằng việc thực hiện một lệnh bán khống tài sản đó trong thị trường CFD.

Cách bắt đầu giao dịch CFD

Hiện nay không khó để bạn bắt đầu tham gia giao dịch CFD. Chỉ cần với số vốn nhỏ hoặc thậm chí không cần vốn ban đầu bạn cũng có thể bắt đầu tìm hiểu về giao dịch CFD bằng tài khoản demo.

Mở tài khoản tại Broker CFD uy tín

Trước tiên đương nhiên là chọn một Broker uy tín để giao dịch CFD rồi.

Hiện nay các Broker lừa đảo đang tràn lan khắp thị trường, nếu bạn chưa có kinh nghiệm check sàn lừa đảo thì hãy mở tài khoản tại một trong các sàn uy tín tại Broker Listing.

Chọn nền tảng giao dịch CFD

Hiện nay các Broker CFD luôn cung cấp nhiều nền tảng giao dịch khác nhau tuỳ theo nhu cầu của khách hàng. Các nền tảng phổ biến hiện nay là MT4, MT5, cTrader, webtrader… Bạn có thể chọn MT4 vì sự phổ biến và dễ sử dụng của nền tảng này.

Chọn sản phẩm giao dịch CFD phù hợp

Có nhiều sản phẩm CFD để bạn lựa chọn giao dịch tuỳ theo thế mạnh hay sở thích của bạn: Forex, Kim loại quý (Vàng, Bạc …), Cổ phiếu, Hàng hoá, Chỉ số chứng khoán, Tiền điện tử

Giao dịch CFD theo chiến lược của bạn

Để có lợi nhuận từ giao dịch CFD thì bạn cần phải có một chiến lược giao dịch có thể dự đoán xu hướng của loại tài sản đó? Khi bạn dự đoán giá tài sản đó sẽ tăng lên, bạn mở một vị thế mua (Long/Buy). Ngược lại khi bạn dự đoán giá tài sản đó sẽ giảm xuống, bạn mở một vị thế bán (Short/Sell).

Để có thể phân tích đưa ra các chiến lược giao dịch CFD hiệu quả bạn cần nhiều thời gian chứ không thể trong một sớm một chiều. Vì thế bạn hãy nâng cao kiến thức giao dịch của mình bằng các bài học trên Dotary nhé.

Ưu điểm của thị trường CFD là gì?

Giao dịch CFD có rất nhiều ưu điểm vượt trội mà giao dịch truyền thống không thể có được. Điều đó lý giải vì sao thị trường CFD là một trong những thị trường “sôi động” nhất hiện nay.

Hãy xem các ưu điểm thị trường CFD mang lại là gì nhé.

Giao dịch CFD không cần sở hữu tài sản thực

Bạn có thể kiếm lời từ sự biến động giá của một loại tài sản nhưng không cần phải sở hữu nó, đây là một điều tuyệt vời.

Giao dịch CFD có thể kiếm lợi nhuận hai chiều

Thực vậy, khi giao dịch CFD bạn có thể kiếm lợi nhuận cả hai chiều tăng và giảm nếu như bạn xác định đúng xu hướng giá của tài sản.

Trong khi với việc mua bán tài sản vật chất bạn chỉ có thể kiếm lợi nhuận nhờ việc mua vào và bán ra khi tài sản tăng giá.

Giao dịch CFD có chi phí thấp

Chính vì không phải nắm giữ tài sản nên chi phí giao dịch CFD thấp hơn rất nhiều so với việc giao dịch mua bán truyền thống.

Giao dịch CFD có thanh khoản cực nhanh

Khi bạn giao dịch CFD một sản phẩm nào đó, bạn có thể ngay lập tức kết thúc hợp đồng (đóng lệnh) và thu về khoản lợi nhuận dựa theo chênh lệch giá của sản phẩm đó ngoài đời thực.

Giao dịch CFD sử dụng đòn bẩy lớn

Trong giao dịch CFD, với một tài khoản nhỏ bạn cũng có thể giao dịch được với khối lượng lớn hơn rất nhiều so với giá trị tài khoản, đó chính là nhờ đòn bẩy.

Các Broker CFD cung cấp cho khách hàng đòn bẩy rất lớn mang đến cho bạn cơ hội kiếm được lợi nhuận lớn chỉ với số vốn nhỏ. Các mức đòn bẩy thông thường từ 1:100 đến 1:500, một số sàn còn cung cấp đòn bẩy cao hơn nữa như 1:2000 1:3000 thậm chí là đòn bẩy… vô cực.

Nhược điểm của thị trường CFD là gì?

Thua lỗ nhanh chóng vì giao dịch CFD đòn bẩy lớn

Nếu sử dụng đòn bẩy hợp lý, đó là một ưu điểm lớn. Nhưng nếu sử dụng đòn bẩy lớn mà nhưng không thực sự hiểu nó sẽ dẫn đến một khoản thua lỗ lớn một cách nhanh chóng.

Đòn bẩy luôn là con dao hai lưỡi.Đòn bẩy lớn vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm tuỳ người sử dụng nó.

Bạn cần phải có chiến lược quản lý rủi ro chặt chẽ vì đòn bẩy lớn mang đến cơ hội giao dịch với khối lượng lớn. Điều này vô tình đánh vào lòng tham và ảnh hưởng đến tài khoản của bạn.

Các chiến thuật giao dịch CFD là gì?

Chiến thuật giao dịch CFD được chia theo thời gian nắm giữ lệnh của trader.

Giao dịch CFD Scalping

Scalping là phong cách giao dịch trong một khoảng thời gian rất ngắn tính từ thời điểm mở lệnh đến lúc đóng lệnh giao dịch.

Thông thường, các trader giao dịch Scalping sẽ lựa chọn khung thời gian trên biểu đồ giá từ 1 phút đến 5 phút (M1 – M5). Chính vì các Scalper đóng lệnh trong khoảng thời gian rất ngắn nên phong cách giao dịch Scalping còn được gọi là “giao dịch lướt sóng” hay “đánh lướt sóng”, …

Giao dịch CFD Day Trading

Day Trading là hoạt động giao dịch các tài sản/công cụ tài chính chỉ diễn ra trong ngày, không giữ lệnh qua đêm. Các vị thế được mở và đóng trong cùng một ngày, có thể diễn ra trong một vài phút (scalping) đến một vài giờ.

Giao dịch CFD Swing

Swing Trading là hoạt động giao dịch các tài sản/công cụ tài chính chỉ diễn ra trong nhiều ngày thậm chí nhiều tuần.

Các trader sẽ phải dự đoán được xu hướng tài sản đó trong dài hạn hơn nhiều so với 2 loại chiến lược trên.

Các chi phí giao dịch thị trường CFD là gì?

Cũng như bao thị trường khác, để có thể hoạt động “mua bán” diễn ra thì bắt buộc phải có các loại chi phí giao dịch nhất định. Ở trên bạn đã biết chi phí giao dịch CFD là tốt hơn chi phí giao dịch truyền thống, hãy xem cụ thể các loại phí này là gì nhé.

Phí nạp rút của Broker CFD

Hiện nay hầu hết các Broker lớn đều đã miễn phí phí nạp rút tiền cho khách hàng. Tuy nhiên khi nạp và rút thì bạn sẽ chịu một loại phí đó là chênh lệch tỷ giá USD.

Ví dụ hiện nay tỷ giá chuyển khoản USD theo Vietcombank là: 22.840 – 23.040. Điều này có nghĩa nếu bạn nạp tiền vào sàn Forex thì 1 USD = 23.040 VND, khi bạn rút USD về tài khoản ngân hàng thì tỷ giá chỉ là 22.840 VND/USD.

Phí chênh lệch (spread)

Spread là chênh lệch giữa giá mua và giá bán của một sản phẩm giao dịch. Ví dụ báo giá của Broker cho cổ phiếu Apple là 150 – 151 (đơn vị $).

Như vậy bạn chịu một khoản phí chênh lệch (spread) là 1$/cổ phiếu.

Phí hoa hồng môi giới (commission)

Nếu như phí Spread là loại phí biến động tuỳ thời điểm của thị trường thì phí hoa hồng (commission) là loại phí cố định cho từng sản phẩm cụ thể. Ví dụ khi giao dịch 1 lot Vàng chúng ta thấy có một khoản phí 7$, đây chính là phí commission.

Phí qua đêm (swap)

Phí Swap là loại phí được tính khi bạn giữ vị thế (lệnh) qua đêm. Phí swap được sàn ghi chú rõ ràng cho từng loại sản phẩm khác nhau.

Ví dụ bạn giao dịch Buy 1 lot Vàng, phí swap chiều mua của Vàng là 1$/lot/ngày. Như vậy bạn giữ lệnh trong 3 ngày thì bạn sẽ chịu phí swap là 3$.

Tuy bạn nhìn thấy có vẻ nhiều loại phí nhưng thực chất tổng của những loại phí trên thì cũng khá nhỏ thôi.

Ví dụ bạn Buy 0.1 lot Vàng tại giá 1900, sau 2 ngày bạn chốt lệnh tại giá 1920.

  • Bạn có lợi nhuận: 0.1 x 200 x 10 = 200$
  • Chi phí giao dịch: 2$ (spread 2 pip) + 0.7$ (commission 7$/lot) + 0.6$ (swap buy 2$/lot) = 3.3$

Bạn có thể thấy chi phí giao dịch khá nhỏ nếu bạn giao dịch có lợi nhuận.

Tổng kết về giao dịch thị trường CFD

Như vậy bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ mọi vấn đề liên quan đến CFD: CFD là gì? Sản phẩm giao dịch trong thị trường CFD là gì? Kiếm lợi nhuận từ giao dịch CFD như thế nào? Ưu nhược điểm của giao dịch thị trường CFD là gì? …

Có một điều tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa, đó là Giao dịch CFD có sử dụng đòn bẩy nên tài sản của bạn sẽ gặp rủi ro lớn, hãy đảm bảo bạn hiểu rõ các rủi ro trước khi tham gia vào thị trường này nhé.

Chúc bạn giao dịch thành công!

Bài viết liên quan