MÃ ĐỊNH DANH LÀ GÌ? MÃ ĐỊNH DANH CÓ QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI CÔNG DÂN HAY KHÔNG?

Mã định danh – Chắc hẳn cụm từ này bạn đã nghe qua rồi. Nhưng bạn có thật sự biết về mã định danh là gì chưa? Mã định danh dùng để làm gì? Nó có quan trọng đối với mọi công dân hay không? Bài viết hôm nay, Dotary sẽ trả lời các câu hỏi trên, cùng tìm hiểu ngay bài viết sau đây nhé!

1. Mã định danh là gì?

Mã định danh là một dãy số xác định nhân thân của công dân do Bộ công an cấp. Mỗi công dân chỉ được cấp một mã duy nhất gắn liền với cuộc đời của công dân từ lúc sinh ra đến lúc mất đi và không trùng với mã định danh của bất cứ ai khác.

Mã định danh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. 

Vậy mã số định danh có giống số căn cước công dân hay không? Thực tế, nhiều người lầm tưởng đây chỉ là mã ID của sản phẩm, thực phẩm,… Đây là một nhận định sai, thực chất khi đi làm căn cước công dân Bộ công an cấp trên căn cước công dân dãy số 12 số đây chính là mã định danh cá nhân.

Theo Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định, mã số định danh là dãy số tự nhiên gồm 12 số, cụ thể cấu trúc 12 số được quy ước như sau:

– 03 số đầu chính là mã số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quy định từ 001 đến 096 tương ứng với 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương sẽ có một mã số khác nhau. Ví dụ: Tại tỉnh Trà Vinh sẽ có mã số đầu là 084, Sóc Trăng sẽ có mã số đầu là 094,…

(Xem thêm chi tiết mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an).

– 01 số kế tiếp là mã thế kỷ sinh, mã giới tính được quy định như sau:

  • Đối với công dân sinh ở thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam là 0, nữ là 1.
  • Đối với công dân sinh ở thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam là 2, nữ là 3.
  • Đối với công dân sinh ở thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam là 4, nữ là 5.
  • Đối với công dân sinh ở thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam là 6, nữ là 7.
  • Đối với công dân sinh ở thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam là 8, nữ là 9.

– 02 số kế tiếp chính là mã số năm sinh của công dân. Cụ thể, nếu bạn sinh năm 2001 thì lấy hai số cuối năm sinh của bạn là 01, nếu sinh năm 2000 thì là 00,…

– Còn lại 6 chữ số cuối cùng chính là chữ số ngẫu nhiên.

2. Mã định danh được cấp khi nào?

Theo quy định tại Điều 14, 15 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, Công dân được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an cấp mã số định danh cá nhân khi:

– Đăng ký khai sinh;

– Làm CCCD (đối với các trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân hoặc đối với trường hợp công dân đang sử dụng CMND 9 số chuyển sang đăng ký CCCD).

3. Mã định danh dùng để làm gì?

3.1 Mã định danh dùng để tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo nội dung quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP; Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BCA:

Số định danh cá nhân sẽ được xác lập từ CSDL quốc gia về dân cư. Mã số này được sử dụng để kết nối, cập nhật, chia sẻ và khai thác thông tin của công dân trong CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL chuyên ngành. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ được phép sử dụng mã số định danh cá nhân trên thẻ CCCD để thực hiện kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong CSDL quốc gia.

Số Căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh là số định danh cá nhân của công dân; các trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sử dụng thông tin về số Căn cước công dân, số định danh cá nhân trong Giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3.2 Mã định danh cá nhân dùng thay thế cho giấy tờ tùy thân khi làm thủ tục mua bán nhà ở

Tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP quy định:

Trường hợp công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân (bản sao Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Như vậy, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì người dân đã được cấp mã định danh cá nhân được sử dụng mã này thay cho bản sao các giấy tờ tùy thân khi làm các tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản.

3.3 Mã định danh cá nhân được sử dụng thay thế cho mã số thuế cá nhân 

Theo nội dung được quy định tại Khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019 thì khi mã định danh được cấp cho toàn bộ dân cư thì mã số định danh đó có thể sử dụng thay cho mã số thuế.

Vì vậy, trong thời gian tới khi hoàn thành việc cấp lại mã số định danh cho toàn bộ dân cư thì mã số định danh cá nhân sẽ sử dụng thay cho mã số thuế cá nhân. Khi công dân thực hiện các thủ tục, giao dịch liên quan đến mở tài khoản tiền, đăng ký giao dịch điện tử, khai thuế, nộp thuế,… chỉ cần sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế cá nhân.

Thuật ngữ “Mã định danh” chỉ mới xuất hiện trong vài năm nay, hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn nhận định rõ hơn về mã định danh. Theo dõi Dotary để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Theo Luật Việt Nam (luatvietnam.vn)

Đăng ký dùng thử phần mềm công chứng tạihttp://demo.dotary.org

Thông tin mang tính chất tham khảo, vui lòng truy cập nguồn tin khi sử dụng trong trích dẫn pháp lý.

Công ty cổ phần giải pháp công nghệ số Dotary

Địa chỉ: Lầu 2, 76 D15 KDC Hồng Loan, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ

Điện thoại: 0907.765235

Email: info@dotary.vn

Trang web:https://dotary.vn/

Bài viết liên quan