HÌNH THỨC HÀNH NGHỀ CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN THEO LUẬT CÔNG CHỨNG

Hình thức hành nghề của công chứng viên được quy định tại Điều 34 Luật Công chứng 2014 (hiệu lực từ 1/1/2015) như sau:

Điều 34. Hình thức hành nghề của công chứng viên

  1. Các hình thức hành nghề của công chứng viên bao gồm:
  2. a) Công chứng viên của các Phòng công chứng;
  3. b) Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng;
  4. c) Công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng.
  5. Việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chứng viên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức.

Việc ký và thực hiện hợp đồng lao động với công chứng viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về lao động.

Theo quy định của Điều Luật trên, chúng ta có thể nhận thấy Công chứng viên có ba hình thức hành nghề khác nhau. Mỗi hình thức sẽ có một đặc điểm riêng và chịu sự điều chỉnh của các quan hệ pháp luật khác nhau.

Các hình thức hành nghề bao gồm:

– Hình thức thứ nhất: Công chứng viên của các Phòng công chứng.

Điều 19 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:

Điều 19. Phòng công chứng

  1. Phòng công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
  2. Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.

Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng phòng. Trưởng phòng công chứng phải là công chứng viên, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức….”

Theo quy định của Điều Luật này, Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập. Đây cũng là điểm khác nhau cơ bản giữa Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng. Công chứng viên hành nghề tại Phòng Công Chứng bản chất là viên chức nhà nước làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, chính vì thế, việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chứng viên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức theo Khoản 2 Điều 34 Luật Công chứng 2014.

– Hình thức thứ hai: Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng;

Điều 22 Luật Công Chứng 2014 quy định:

“Điều 22. Văn phòng công chứng

  1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.

Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.

  1. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên…”

Theo quy định của những điều luật trên, Văn phòng công chứng được thành lập theo quy định của pháp luật và được thành lập dưới loại hình công ty Hợp danh, tuy là loại hình đặc thù nhưng chúng ta có thể nhận thấy bản chất của Văn phòng công chứng là công ty Hợp danh. Công ty Hợp danh phải có ít nhất từ hai thành viên trở lên, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Văn phòng công chứng cũng có những đặc điểm đó, mỗi Văn phòng Công Chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên, những công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng được gọi là công chứng viên hợp danh, tuy nhiên, Văn phòng công chứng lại không có những thành viên góp vốn như công ty hợp danh mà chỉ tồn tại công chứng viên hợp danh.

Công chứng viên hợp danh muốn thành lập Văn phòng công chứng phải thực hiện theo quy định của pháp luật, Trưởng Văn phòng công chứng phải là Công Chứng Viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

– Hình thức thứ ba: Công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng.

Ngoài hình thức công chứng viên hợp danh, công chứng viên còn có thể hành nghề dưới hình thức Công chứng làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động, đối với hình thức này, họ được xem như là một người lao động của Văn phòng công chứng, Việc ký và thực hiện hợp đồng lao động với họ được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về lao động (Khoản 2 Điều 34 Luật Công Chứng 2014).

Đây là một hình thức hành nghề khá phổ biến đối với các công chứng viên, bởi vì đối với hai hình thức trước, thì phải có một số điều kiện nhất định để hành nghề, còn hình thức này đòi hỏi ít điều kiện hơn. Công chứng chỉ cần tìm một Văn phòng công chứng phù hợp để ký kết hợp đồng lao động là có thể hành nghề.

Nhìn chung, mỗi hình thức hành nghề đều có những đặc điểm riêng biệt và chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật khác nhau, công chứng viên có thể tùy theo điều kiện mà lựa chọn hình thức cho phù hợp với bản thân.

Theo Luật Dương Gia

Thông tin mang tính chất tham khảo, vui lòng truy cập nguồn tin khi sử dụng trong trích dẫn pháp lý.

Công ty cổ phần giải pháp công nghệ số Dotary

Địa chỉ: Tầng trệt Trung tâm Việc làm Thanh niên, số 41 Cách Mạng Tháng 8 , Phường Thới Bình, Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ.

Phone: 0907.765235

Email: info@dotary.vn

Website: https://dotary.vn/

Bài viết liên quan